Xuất huyết tiêu hóa: Điều trị kịp thời kẻo tử vong
Xuất huyết tiêu hóa (chảy máu tiêu hóa) là một trong số các bệnh đường tiêu hóa xảy ra phổ biến hiện nay và gây nguy hiểm cho người bệnh. Hiện tượng các mạch máu trong ống tiêu hóa bị chảy ra ngoài gây ra tình trạng sốc, thiếu máu,… nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Do vậy cần nhận biết sớm các nguyên nhân, triệu chứng của bệnh để có biện pháp chữa trị và chăm sóc kịp thời, phù hợp cũng như phòng tránh bệnh.
Nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa
Xuất huyết tiêu hóa gồm có xuất huyết tiêu hóa trên và dưới. Tùy thuộc vào từng loại bệnh sẽ có nguyên nhân cụ thể khác nhau. Nhưng nhìn chung các nguyên nhân chính gây xuất huyết tiêu hóa được xác định bao gồm:
– Do bệnh xơ gan khiến cho các tĩnh mạch thực quả bị giãn quá mức gây áp lực lên tĩnh mạch dẫn đến bị xuất huyết.
– Do bệnh trào ngược dạ dày thực quản, axit dạ dày tăng lên và trào ngược ra ngoài gây viêm thực quản có thể dẫn tới xuất huyết.
– Do bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày thường gây xuất huyết tiêu hóa. Bên cạnh đó, chảy máu còn có thể là do các bệnh như bệnh Cronh, bệnh trĩ, bệnh ung thư trực tràng, nhiễm trực khuẩn, lỵ amip…
– Ngoài ra còn do thói quen uống quá nhiều rượu, sử dụng các loại thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm,… cũng là nguyên nhân dẫn đến xuất huyết tiêu hóa.
Triệu chứng xuất huyết tiêu hóa
Cũng tùy thuốc vào từng loại bệnh, nguyên nhân và mức độ mấy máu sẽ gây ra các triệu chứng xuất huyết tiêu hóa. Tuy nhiên, người bệnh có thể tự xác định được căn bệnh này thông qua 3 triệu chứng điển hình nhất như sau:
– Nôn ra máu:
Đây là triệu chứng ban đầu thường gặp và dễ nhận biết nhất của bệnh chảy máu tiêu hóa. Người bệnh có thể bị nôn ra máu tươi hoặc máu đen lẫn trong thức ăn. Nôn ra máu có thể ít hoặc nhiều dễ dẫn đến tử vong cho người bệnh và cần được chữa trị ngay.
– Đi ngoài ra máu hoặc phân đen:
Bạn quan sát sẽ thấy đại tiện ra máu hoặc phân có màu đen do lẫn máu và có mùi khắm rất khó chịu. Đại tiện ra máu có thể thành từng giọt, tia máu tươi do tĩnh mạch trong ống tiêu hóa bị áp lực quá mức gây giãn, vỡ và chảy máu. Cần phân biệt đi ngoài ra máu với bệnh trĩ vì bệnh trĩ thường kèm theo bị đau khi đại tiện và táo bón.
– Mất máu:
Nôn ra máu, đại tiện ra máu sẽ khiến cho cơ thể bị mất một lượng máu, dần dần gây thiếu máu, mất máu. Dấu hiệu nhận biết là chóng mặt, hoa mắt, người xanh xao, yếu ớt. Nhiều trường hợp bị mất máu nhiều có thể dẫn tới tụt huyết áp, nhất xỉu, khó thở,… rất nguy hiểm.
Mức độ nguy hiểm khi bị xuất huyết tiêu hóa
Xuất huyết tiêu hóa dù ở mức độ nặng hay nhẹ cũng gây ảnh hưởng tới người bệnh. Nếu bệnh nhẹ gây ra các triệu chứng buồn nôn, nôn, ăn uống kém,… ảnh hưởng tới sinh hoạt, sức khỏe, thể trạng của người bệnh. Nhưng nếu bệnh nặng sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như bị sốc, khó thở, co giật dẫn đến tử vong.
Nên làm gì khi bị xuất huyết tiêu hóa ?
Cách xử lý khi bị xuất huyết tiêu hóa:
– Trước tiên, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi tại chỗ thoáng mát, yên tĩnh, không kê đầu và nghiêng sang 1 bên. Lưu ý không nên thay đổi vị trí của người bệnh để tránh bị xuất huyết nhiều hơn. Sau đó cần thông báo ngay cho cơ sở y tế.
– Nếu bệnh nhân bị chảy máu quá nhiều cần nhịn ăn 24 giờ, sau đó cho uống sữa lạnh. Khi tình trạng giảm thì cho ăn thức ăn mềm, lỏng.
Cách phòng bệnh xuất huyết tiêu hoá
– Không nên ăn các loại thức ăn sống, tái, ăn quá mặn, hạn chế các loại thức ăn cay nóng, đồ uống có ga vì chúng gây ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa và làm tăng nguy cơ bị chảy máu trong ống tiêu hóa.
– Bỏ rượu bia, hút thuốc lá.
– Bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất giúp tăng cường hệ tiêu hóa và bảo vệ đường tiêu hóa khỏe mạnh.
– Khi nhận thấy các triệu chứng xuất huyết tiêu hóa cần kịp thời đến ngay bệnh viện để khám và chữa trị kịp thời.